Thể hiện điểm mạnh cá nhân trong Sơ yếu lý lịch
Được viết bởi Nguyen Phuc Nguyen Le, Tác giả • Cập nhật lần cuối vào 25 tháng 4 năm 2025

Thể hiện điểm mạnh cá nhân trong Sơ yếu lý lịch

Sơ yếu lý lịch, đa số trường hợp cũng có thể được hiểu là CV, không chỉ là bản tóm tắt kinh nghiệm và học vấn mà còn là công cụ thể hiện các khía cạnh khác của cá nhân. Trình bày hiệu quả những điểm mạnh giúp bạn tạo ấn tượng tích cực ban đầu. Làm nổi bật thế mạnh phù hợp giúp nhà tuyển dụng nhanh chóng nhận ra giá trị bạn có thể mang lại cho tổ chức của họ.

Tạo CV

Sự khác biệt giữa Điểm mạnh và Kỹ năng

Khi chuẩn bị sơ yếu lý lịch cho hồ sơ tuyển dụng, bạn cần phân biệt giữa điểm mạnh và kỹ năng của mình. Điểm mạnh là những phẩm chất, thường mang tính tự nhiên, thuộc về tính cách, là một phần cốt lõi trong con người bạn, không nhờ học hỏi, rèn luyện trong thời gian ngắn mà có. Ví dụ về điểm mạnh có thể là khả năng lãnh đạo tự nhiên, sự kiên trì, tính sáng tạo, hay khả năng đồng cảm.

Còn kỹ năng là những năng lực cụ thể, ít trừu tượng hơn, mà bạn có được qua quá trình đào tạo, học tập và tích lũy kinh nghiệm. Kỹ năng có thể được trau dồi và cải thiện theo thời gian. Chúng thường được chia thành hai loại chính: kỹ năng cứng, liên quan đến kiến thức chuyên môn và kỹ thuật (như lập trình, phân tích dữ liệu, sử dụng phần mềm chuyên dụng, ngoại ngữ trên CV) và kỹ năng mềm, liên quan đến cách bạn tương tác và làm việc với người khác (như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, quản lý thời gian).

Về mặt hình thức thể hiện, trong CV, kỹ năng thường được liệt kê rõ ràng ở một mục riêng, thường được gọi tên là Kỹ năng, còn điểm mạnh cần được thể hiện tinh tế hơn ở các mục nội dung khác như mục tiêu nghề nghiệp, kinh nghiệm làm việc hay thành tích học tập.

Hiểu rõ về điểm mạnh trong sơ yếu lý lịch

Việc thể hiện đầy đủ và hợp lý điểm mạnh trong sơ yếu lý lịch của bộ hồ sơ ứng tuyển là điều quan trọng giúp bạn nổi bật hơn các ứng viên khác. Điều này càng quan trọng hơn nữa ở những vị trí quản lý, trưởng nhóm, những vị trí thường được nhà tuyển dụng chú ý, lựa chọn hồ sơ ứng viên kỹ càng hơn.

Như có đề cập ở trên, vì kỹ năng là thứ có thể trau dồi, rất nhiều người có thể có cùng bộ kỹ năng, dẫn đến việc mục Kỹ năng trong CV của họ cũng rất giống nhau. Nhưng về mặt điểm mạnh, chắc chắn không có nhiều người có điểm mạnh giống nhau, đó là điểm nhà tuyển dụng dựa vào để phân loại ứng viên của mình. 

Điểm mạnh thường là yếu tố cho thấy bạn không chỉ có thể làm được công việc được yêu cầu, mà còn cho nhà tuyển dụng hình dung trước bạn sẽ làm việc đó như thế nào. Điểm mạnh sẽ phần nào thể hiện tính cách và khả năng hòa nhập, tính phù hợp với văn hóa công ty. Một ứng viên có sự kết hợp độc đáo giữa kỹ năng phù hợp, kinh nghiệm liên quan và những điểm mạnh cá nhân ấn tượng khả năng cao sẽ được nhà tuyển dụng nghiêm túc cân nhắc cho vòng tuyển dụng tiếp theo.

Expert tip:

Không chỉ liệt kê điểm mạnh, bạn có thể phân tích thêm về điểm mạnh của mình bằng cách nêu dẫn chứng cụ thể. Nên chọn những điểm mạnh liên quan nhất đến công việc bạn ứng tuyển để tăng tính thuyết phục cho hồ sơ.

Những điểm mạnh hàng đầu nên làm nổi bật trong sơ yếu lý lịch

Để xác định được đâu là điểm mạnh nên đưa vào hồ sơ, bạn cần dựa vào vị trí mình ứng tuyển. Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, sẽ không cần đề cập đến việc bạn mạnh về mặt quản lý đội nhóm thế nào, trừ khi trong mô tả công việc có đề cập đến việc vị trí công việc yêu cầu ứng viên quản lý các nhân viên khác.

Liệt kê và phân tích đúng điểm mạnh khi sử dụng mẫu CV hay sơ yếu lý lịch ứng tuyển cho thấy bạn đã nghiên cứu kỹ yêu cầu công việc, hiểu nội dung và tính chất của công việc. Thay vì liệt kê một danh sách dài các điểm mạnh chung chung, nên tập trung vào 3-5 điểm mạnh cốt lõi thực sự nổi bật ở bạn và có liên quan trực tiếp đến yêu cầu công việc.

Tùy vào nội dung công việc, bạn có thể chọn phân tích thêm về điểm mạnh của mình, nếu có: kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, khả năng lãnh đạo, truyền cảm hứng, kỹ năng giao tiếp hiệu quả (bằng lời nói, văn bản), khả năng làm việc nhóm, tư duy chiến lược, khả năng thích ứng và thay đổi tùy theo tình hình của công ty, sự chủ động và tinh thần trách nhiệm cao, sự chú ý đến chi tiết, v.v. Nếu có thể, đảm bảo rằng những điểm mạnh bạn nêu được minh chứng qua các thành tích và kinh nghiệm, công việc cụ thể bạn đã làm.

"Liệt kê và phân tích đúng điểm mạnh khi viết CV hay sơ yếu lý lịch ứng tuyển cho thấy bạn đã nghiên cứu kỹ yêu cầu công việc, hiểu nội dung và tính chất của công việc."

Thể hiện điểm mạnh trong sơ yếu lý lịch

Nêu mục tiêu nghề nghiệp

Mục tiêu nghề nghiệp trong sơ yếu lý lịch, đôi khi được đề cập với tên gọi là sơ yếu lý lịch công chứng, là cơ hội đầu tiên để bạn gây ấn tượng và thể hiện điểm mạnh chính của mình. Một mục tiêu nghề nghiệp hiệu quả cần trả lời ba câu hỏi cốt lõi: Bạn là ai (ngắn gọn về chuyên môn hoặc vai trò hiện tại)? Bạn muốn đạt được điều gì (vị trí ứng tuyển hoặc mục tiêu ngắn hạn)? Và giá trị độc đáo (điểm mạnh chính) bạn mang đến cho vị trí và công ty là gì? Thay vì viết một mục tiêu chung chung, hãy tùy chỉnh nó cho từng công việc. Ví dụ, bạn có thể nêu bật khả năng giải quyết vấn đề hoặc kỹ năng lãnh đạo nếu đó là yêu cầu chính của công việc, qua đó định hướng sự chú ý của nhà tuyển dụng vào thế mạnh quan trọng nhất của bạn ngay từ đầu.

Chứng minh điểm mạnh ở mục Kinh nghiệm

Thay vì chỉ liệt kê tác vụ bạn làm ở công việc mình từng làm, bạn có thể nêu tình huống công việc cụ thể, cách giải quyết của riêng bạn - một cách súc tích và thuyết phục. Nếu có số liệu cụ thể, ví dụ như trước và sau khi bạn xử lý công việc, như thay vì nói "Cải thiện quy trình làm việc", "Áp dụng kỹ năng phân tích để tái cấu trúc quy trình [A], giúp giảm 20% thời gian xử lý và tiết kiệm [B] chi phí" sẽ là cách hữu hiệu để bạn nêu bật được điểm mạnh.

Thể hiện điểm mạnh trong mục Giáo dục

Vì tên của bằng cấp và những thông tin ngắn gọn ở mục Giáo dục thường không trực tiếp và không đủ cụ thể để nhà tuyển dụng hình dung được điểm mạnh của bạn, bạn có thể nêu thêm một số thông tin như xếp loại tốt nghiệp, điểm trung bình (GPA), thông tin về hoạt động ngoại khóa có tham gia, học bổng, CLB hay đoàn hội bạn tham gia, vai trò là gì, v.v.

Ngoài các mục kể trên, bạn cũng có thể phân tích thêm về điểm mạnh của mình trong Cover Letter. Công cụ của chúng tôi cũng có sẵn đa dạng mẫu Cover Letter để bạn lựa chọn.

Liệt kê điểm mạnh trong mục Kỹ năng

Mục Kỹ năng trong CV không nhất thiết là nơi chỉ có các kỹ năng cứng, bạn có thể kết hợp nêu cả những năng lực liên quan đến công việc của bản thân. Cần chọn lọc thông tin một cách hợp lý, không nêu quá nhiều với mục đích gây ấn tượng với nhà tuyển dụng - điều chắc chắn sẽ phản tác dụng.

Xác định điểm mạnh độc đáo của bản thân

Xác định điểm mạnh của bản thân là điều không quá khó, bạn hoàn toàn có thể dựa vào ý kiến chủ quan. Nếu không hoàn toàn tự tin, bạn có thể xin ý kiến đánh giá khách quan của đồng nghiệp, giáo viên, những người bạn đồng thời có thể sử dụng làm liên hệ Tham chiếu cho nhà tuyển dụng. Các công cụ đánh giá tính cách hoặc điểm mạnh chuyên nghiệp CliftonStrengths và MBTI (Myers-Briggs) cũng có thể được sử dụng làm thông tin để bạn đưa vào CV xin việc của mình.

Hoàn thiện sơ yếu lý lịch cho hồ sơ xin việc

Tóm lại, việc làm nổi bật điểm mạnh một cách có ý đồ, hợp lý sẽ giúp bạn có một Sơ yếu lý lịch ấn tượng nói riêng và cả hồ sơ ứng tuyển nói chung. Để làm được điều đó, bạn cần nắm được sự khác nhau giữa điểm mạnh và kỹ năng, và từ đó triển khai thông tin điểm mạnh vào các phần như được phân tích trên đây. Việc dành thêm thời gian để trau chuốt cho CV sẽ không bao giờ là uổng phí. Chúc bạn ứng tuyển thành công!

Chia sẻ qua:
Nguyen Phuc Nguyen Le
Nguyen Phuc Nguyen Le
LinkedIn
Tác giả
As an HR writer who comes from legal background, Nguyen’s geared and inspired to provide jobseekers with precise, insightful guides and articles to help them prepare for the journey ahead.

Tạo ấn tượng bằng CV của bạn

Tạo và tải xuống một bản CV chuyên nghiệp thật dễ dàng và nhanh chóng.

Tạo CV