Thể hiện Trình độ Ngoại ngữ trong sơ yếu lý lịch
Được viết bởi Nguyen Phuc Nguyen Le, Tác giả • Cập nhật lần cuối vào 7 tháng 4 năm 2025

Nâng tầm CV: Bí quyết thể hiện trình độ Ngoại ngữ hiệu quả

Trong môi trường lao động có nhiều yếu tố nước ngoài ở Việt Nam như hiện nay, việc thành thạo ngoại ngữ là một lợi thế cạnh tranh. Thể hiện trình độ ngoại ngữ trong sơ yếu lý lịch, CV xin việc một cách bài bản và ấn tượng có thể giúp bạn thuyết phục thành công nhà tuyển dụng. Bài viết này sẽ giúp bạn nắm thông tin về các cấp độ thành thạo các ngôn ngữ khác nhau, cách trình bày trong CV, và những ví dụ thực tế để bạn tự tin chinh phục nhà tuyển dụng.

Tạo CV

Hiểu rõ các cấp độ thành thạo Ngoại ngữ

Ngoại ngữ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với nhiều công việc, đặc biệt là các vị trí liên quan đến thương mại quốc tế, du lịch, dịch thuật, hay bất kỳ công ty nào có khách hàng là người nước ngoài. Nhà tuyển dụng khi tìm nhân sự cho các công ty đó thường tìm kiếm ứng viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ thành thạo để đáp ứng yêu cầu công việc, thậm chí ngoại ngữ là yếu tố quan trọng nhất.

Để đánh giá trình độ ngoại ngữ một cách khách quan và chính xác, có nhiều khung tham chiếu được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Dưới đây là ba khung tham chiếu phổ biến nhất:

  • CEFR (Common European Framework of Reference for Languages) - Khung tham chiếu chung Châu Âu về Ngôn ngữ: Đây là khung tham chiếu phổ biến nhất ở châu Âu, chia trình độ thành 6 cấp độ từ A1 (Sơ cấp) đến C2 (Thành thạo).1
  • ILR (Interagency Language Roundtable) - Tạm dịch là Thang điểm Bàn tròn Ngôn ngữ Liên ngành: Được phát triển bởi chính phủ Hoa Kỳ, ILR chia trình độ thành 6 cấp độ từ 0 (Không có kiến thức) đến 5 (Thông thạo như người bản xứ).2
  • ACTFL (American Council on the Teaching of Foreign Languages) - Hội đồng Giảng dạy Ngoại ngữ Hoa Kỳ: ACTFL đánh giá trình độ dựa trên 5 cấp độ từ Novice (Sơ cấp) đến Distinguished (Xuất sắc).3

Việc hiểu rõ các khung tham chiếu này giúp bạn tự đánh giá trình độ của mình một cách chính xác và trình bày chúng trong CV một cách chuyên nghiệp.

Ở Việt Nam, đối với tiếng Anh, trình độ ngoại ngữ thường được đo bằng các loại chứng chỉ như TOEFL, TOEIC, IELTS, VSTEP (Kỳ thi năng lực tiếng Anh tiêu chuẩn hóa của Việt Nam)4… và được người học chọn tùy mục đích sử dụng, tùy môi trường làm việc họ hướng đến.

Ngoài ra, mỗi ngôn ngữ như tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn đều có một loại bằng cấp riêng biệt. Tiếng Trung có HSK, tiếng Nhật có JLPT từ N5 đến N1, tiếng Hàn có TOPIK.

Expert Tip:

Chứng chỉ tiếng Anh TOEFL thường dành cho những ai tiếp xúc và làm việc hay học tập trong môi trường của người Mỹ, hay hướng đến việc du học Mỹ vì chứng chỉ này tập trung vào tiếng Anh Mỹ.

Cách liệt kê trình độ Ngoại ngữ trong CV

Để thể hiện trình độ ngoại ngữ trong sơ yếu lý lịch do bạn tự thiết kế hay mẫu CV có sẵn một cách hiệu quả, bạn có thể sử dụng các phương pháp sau:

Vị trí:

  • Mục Kỹ năng: Đây là vị trí phổ biến nhất để liệt kê trình độ ngoại ngữ, không nhất thiết phải gộp chung vào đầu mục Kỹ năng, bạn có thể để ở phía dưới, ở mục Ngoại ngữ dành riêng cho thông tin này.
  • Mục Giới thiệu bản thân: Nếu ngoại ngữ được nhà tuyển dụng yêu cầu rõ trong mô tả công việc, bạn nên đề cập đến thông tin này trong mục Giới thiệu bản thân ở đầu CV.
  • Mục Kinh nghiệm làm việc: Nếu trong quá trình làm công việc trước đây bạn có sử dụng ngoại ngữ để thực hiện các tác vụ, hãy mô tả chi tiết về điều đó để nhà tuyển hiểu hơn về trình độ ngoại ngữ của bạn.
  • Mục Chứng chỉ: Nếu bạn đã thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ chính thức, hãy liệt kê thông tin cụ thể về kết quả, tên chứng chỉ trong mục Chứng chỉ, có thể gộp với mục Giáo dục hoặc nằm ở một mục riêng biệt.

Định dạng:

  • Gạch đầu dòng: Sử dụng gạch đầu dòng để liệt kê các ngôn ngữ và trình độ của bạn, nếu bạn thành thạo nhiều ngôn ngữ, hoặc muốn nêu thông tin về nhiều kỹ năng.
  • Bảng: Tương tự, trường hợp thành thạo nhiều ngoại ngữ, bạn cũng có thể sử dụng dạng bảng để trình bày trình độ ngoại ngữ trong đơn xin việc với ưu điểm trực quan và dễ nắm bắt thông tin.
  • Nhãn phân loại trình độ theo thang đo chính thức: Ví dụ, Tiếng Tây Ban Nha (C1 CEFR - Nâng cao).
  • Định dạng thân thiện với ATS (Applicant Tracking System): Sử dụng các từ khóa phổ biến để mô tả trình độ ngoại ngữ như "lưu loát", "trung cấp", "sơ cấp". Tránh sử dụng các biểu tượng hoặc định dạng phức tạp có thể gây khó khăn cho ATS.
"Nếu ngoại ngữ được nhà tuyển dụng yêu cầu rõ trong mô tả công việc, bạn nên đề cập đến thông tin này trong mục Giới thiệu bản thân ở đầu CV."

Ví dụ về cách trình bày trình độ Ngoại ngữ trong CV

Dưới đây là một số ví dụ cụ thể cách trình bày thông tin trình độ ngoại ngữ trong CV, và cả Cover Letter cho các vị trí công việc khác nhau:

Ví dụ 1: Chăm sóc khách hàng

Tiếng Thái: Giao tiếp tốt. (Có khả năng trò chuyện và giải quyết các vấn đề cơ bản cho khách hàng nói tiếng Thái).

Ví dụ 2: Quản lý Marketing tại một công ty quốc tế

Tiếng Đức: Trình độ thương mại. (Có khả năng sử dụng tiếng Đức trong các hoạt động marketing, giao tiếp với đối tác và khách hàng, trình bày ý tưởng, thông tin, quản lý dự án, nhân sự sử dụng tiếng Đức).

Ví dụ 3: Chuyên viên dịch thuật

  • Tiếng Việt: Bản ngữ
  • Ngoại ngữ: Tiếng Anh (IELTS 7.5) và tiếng Trung (HSK 5)

Ví dụ 4: Ứng viên mới ra trường

Ngoại ngữ: Tiếng Nhật (N4 - JLPT) - Đang trong quá trình học tiếng Nhật từ cấp N4 lên cấp N3 và có kiến thức đầy đủ về lĩnh vực chuyên môn.

Tự đánh giá so với chứng chỉ

Liệu một ứng viên có thể tự đánh giá trình độ ngoại ngữ của mình và vẫn được nhà tuyển dụng chấp nhận? Việc tự đánh giá hoàn toàn hợp lý khi bạn có kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ đó trên thực tế, có cơ sở để chứng minh như công việc đã thực hiện, có thành quả bằng văn bản. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ mới dừng ở mức học, chưa có kinh nghiệm sử dụng thực tế, nên có chứng chỉ chính thức để chứng minh trình độ của mình.

Các chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận rộng rãi bao gồm:

  1. Tiếng Anh: TOEFL, IELTS
  2. Tiếng Tây Ban Nha: DELE
  3. Tiếng Nhật: JLPT
  4. Tiếng Pháp: DELF/DALF
  5. Tiếng Trung: HSK
  6. Tiếng Hàn: TOPIK

Bạn có thể đề cập đến điểm số mình đạt được khi thi lấy chứng chỉ để tăng thêm sự tin cậy, ví dụ, IELTS 7.5.

Nhà tuyển dụng đánh giá kỹ năng Ngoại ngữ thế nào?

Nhà tuyển dụng có thể đánh giá kỹ năng ngoại ngữ của bạn thông qua:

  • Nội dung bạn viết trong CV: Thông thường, nếu công việc yêu cầu tiếng Anh, bạn hoàn toàn có thể sử dụng CV tiếng Anh để ứng tuyển.
  • Câu hỏi phỏng vấn: Trường hợp bạn được mời phỏng vấn, buổi phỏng vấn có thể diễn ra một phần hoặc toàn phần bằng ngoại ngữ bạn đã thông tin cho nhà tuyển dụng rằng mình thành thạo.
  • Bài kiểm tra viết: Nhà tuyển dụng cũng có thể yêu cầu bạn dịch hay viết một đoạn văn, email bằng ngoại ngữ công việc yêu cầu mà bạn đã cho nhà tuyển dụng biết rằng mình thành thạo.

Điều không nên làm để tránh bị nhà tuyển dụng đánh giá không tốt về trình độ ngoại ngữ của bạn:

  • Thêm vào CV một ngoại ngữ bạn không thấy nhà tuyển dụng nhắc đến nhưng nghĩ rằng việc biết thêm ngoại ngữ (dù sự thật không phải vậy) sẽ khiến nhà tuyển dụng ấn tượng hơn về mình.
  • Nói quá về trình độ, như mới ở mức Cơ bản nhưng bạn nói rằng kỹ năng của mình ở mức Nâng cao, nhà tuyển dụng có thể dễ dàng nhận ra điều đó trong quá trình phỏng vấn hoặc kiểm tra.

Lời khuyên về việc thể hiện kỹ năng Ngoại ngữ hiệu quả

Để thể hiện kỹ năng ngoại ngữ một cách hiệu quả trong CV, ngoài các thông tin ở trên, bạn còn có thể:

  • Điều chỉnh trình độ ngoại ngữ cho phù hợp với mô tả công việc: Ví dụ, nếu công việc bạn ứng tuyển là Chăm sóc khách hàng, bạn cần chọn kinh nghiệm phù hợp liên quan đến ngoại ngữ và công việc cụ thể là trả lời, tư vấn khách hàng.
  • Trung thực về trình độ của bạn: Không phóng đại khả năng của mình, dù ở bất kỳ mức độ nào, ở bất kỳ khía cạnh nào.
  • Nhấn mạnh và nêu chi tiết về việc sử dụng ngoại ngữ đó trong thực tế nếu bạn đã có kinh nghiệm. Ví dụ: Sử dụng tiếng Tây Ban Nha mỗi ngày để hỗ trợ qua email, điện thoại khách hàng nói tiếng Tây Ban Nha của công ty.

Thành thạo ngoại ngữ - Chìa khóa thành công

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những cơ sở cần thiết để làm căn cứ giúp bạn thể hiện thông tin trình độ ngoại ngữ trong sơ yếu lý lịch hay CV, Cover Letter (tự thiết kế hoặc sử dụng mẫu CV, mẫu Cover Letter) một cách hiệu quả.

Lưu ý, khả năng ngoại ngữ là một lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường lao động, hãy đầu tư vào việc học ngoại ngữ và thể hiện đúng cách trong CV để giúp bạn nắm được cơ hội việc làm đúng ý mình.

Nguồn:

(1) Common European Framework of Reference for Languages: https://en.wikipedia.org/wiki/Common_European_Framework_of_Reference_for_Languages

(2) Interagency Language Roundtable: https://en.wikipedia.org/wiki/Interagency_Language_Roundtable

(3) American Council on the Teaching of Foreign Languages: https://en.wikipedia.org/wiki/American_Council_on_the_Teaching_of_Foreign_Languages

(4) VSTEP: https://vi.wikipedia.org/wiki/VSTEP

Chia sẻ qua:
Nguyen Phuc Nguyen Le
Nguyen Phuc Nguyen Le
LinkedIn
Tác giả
As an HR writer who comes from legal background, Nguyen’s geared and inspired to provide jobseekers with precise, insightful guides and articles to help them prepare for the journey ahead.

Tạo ấn tượng bằng CV của bạn

Tạo và tải xuống một bản CV chuyên nghiệp thật dễ dàng và nhanh chóng.

Tạo CV